Khởi nghiệp từ Internet
Ở một xã vùng cao như Thượng Nông (Na Hang), đường sá đi lại còn nhiều khó khăn, thế nhưng sản phẩm gạo nếp Khẩu Láng ở Thượng Nông lại được nhiều người ở các tỉnh, thành biết đến. Đó là nhờ nỗ lực của chàng trai trẻ Hoàng Văn Núi, sinh năm 1993, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thượng Nông. Năm 2020, Hoàng Văn Núi bắt tay làm kinh tế, mở hợp tác xã sản xuất chuyên dịch vụ ươm trồng, cung cấp giống cây lâm nghiệp, thu mua gạo nếp của bà con. Thế nhưng những sản phẩm này chưa được nhiều người biết tới, lượng tiêu thụ còn thấp. Tìm hiểu nguyên nhân, anh Núi nhận thấy các sản phẩm của hợp tác xã mới chỉ tiêu thụ được một số nơi lân cận quanh xã. Chính vì vậy, anh Núi quyết định mở rộng thị trường quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua Internet, mạng xã hội. Anh bắt đầu kết nhiều bạn trên facebook, zalo, tham gia các lớp tập huấn, học trực tuyến về bán hàng, giới thiệu sản phẩm qua mạng. Anh còn ra tận huyện nhờ Hội Nông dân huyện hỗ trợ hướng dẫn anh đưa sản phẩm gạo nếp Khẩu Láng lên một số sàn giao dịch điện tử. Khi đưa các sản phẩm này lên sàn giao dịch, anh còn hướng dẫn các thành viên khác trong hợp tác xã sử dụng mạng xã hội để livestream quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đăng tải trên facebook cá nhân và facebook của hợp tác xã. Từ đó, giống cây lâm nghiệp và sản phẩm gạo nếp Khẩu Láng của hợp tác xã ngày càng được nhiều người biết đến và tiêu thụ được nhiều hơn. Anh Núi cho biết, thời điểm bán được nhiều nhất, Hợp tác xã tiêu thụ được trên 200 vạn cây giống/năm và 9 tấn gạo nếp/năm. Hiện doanh thu của hợp tác xã lên tới trên 400 triệu/năm. Anh Núi chia sẻ: “Có được như ngày hôm nay, mình nghĩ mình đã đi đúng hướng, đó là tận dụng được Internet để khắc phục những khó khăn về khoảng cách khi mới lập nghiệp”.
Thanh niên xã Yên Lâm, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Lâm (Hàm Yên) livestream giới thiệu sản phẩm cam sành cho khách.
Theo Bí thư Huyện đoàn Na Hang Lương Huy Thuận, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện đã biết ứng dụng công nghệ khi mới khởi nghiệp để quảng bá sản phẩm, nghiên cứu và tiếp cận thị trường. Internet và mạng xã hội đã trở thành công cụ hữu ích cho thanh niên. Qua Internet, nhiều đoàn viên thanh niên đã tự tin hơn khi theo đuổi ước mơ, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ, kinh tế.
Giàu lên từ Internet
Những ngày này lên với Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Lâm, xã Yên Lâm (Hàm Yên), không khí nhộn nhịp thu mua cam của bà con hết sức nhộn nhịp. Dáng những đoàn viên thanh niên áo xanh thoăn thoắt đóng từng thùng cam gửi đi các tỉnh. Người thì mải livestream cho khách ở xa, người thì check mã vạch trên thùng cam cho khách, người thì quay video để đăng lên facebook... Hiện hợp tác xã có 7 đoàn viên thanh niên là thành viên tham gia vào hoạt động của hợp tác xã. Nhờ có sự năng động ứng dụng Internet, hoạt động kinh doanh của hợp tác xã ngày càng phát triển, sản lượng cam sành Hàm Yên được khách hàng ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước tìm mua, đặt hàng qua mạng. Theo anh Nguyễn Thanh Sơn, đoàn viên Đoàn xã Yên Lâm, thành viên của hợp tác xã chia sẻ, bắt đầu từ năm 2019, anh đã đưa sản phẩm cam sành lên mạng xã hội. Anh cùng các bạn đoàn viên trong xã tham gia các lớp tập huấn bán hàng trên mạng xã hội, tập livestream, làm tiktok để quảng bá cam sành trên mạng xã hội. Nhờ đó, nhiều khách hàng tận trong TP Hồ Chí Minh hay các tỉnh phía Nam đặt hàng. Nếu như trước đây, bình quân một ngày hợp tác xã tiêu thụ 3 tấn cam sành thì đến nay, sản lượng tiêu thụ đã tăng lên 4 tấn/ngày. Sản lượng cam tiêu thụ đều đặn hàng ngày đã giúp cho doanh thu của hợp tác xã hàng tháng tăng lên, thu nhập của các thành viên trong hợp tác xã cũng theo đó được nâng lên đáng kể. Theo chị Nguyễn Thị Tĩnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Lâm, hiện nay, vào vụ thu hoạch cam, mỗi tháng hợp tác xã thu về hơn 1 tỷ đồng từ tiêu thụ cam sành, trừ chi phí, thu lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Hoạt động kinh doanh của hợp tác xã khá lên nhờ các đơn đặt hàng đều đặn, liên tục với số lượng lớn ở các tỉnh, thành mà chủ yếu là đặt qua mạng. Kết quả này có đóng góp không nhỏ của các thành viên là đoàn viên thanh niên.
Anh Hoàng Văn Nhu, xã Đại Phú (Sơn Dương) ứng dụng kỹ thuật hiện đại đầu tư xây dựng trang trại gà Ai Cập đẻ trứng cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm.
Nghe tiếng trang trại gà Ai Cập đẻ trứng của đoàn viên Hoàng Văn Nhu có quy mô lớn nhất xã Đại Phú (Sơn Dương), chúng tôi quyết tâm mục sở thị. Chàng trai trẻ sinh năm 1993 này cũng bắt tay khởi nghiệp từ gian nan nhưng nhờ biết ứng dụng Internet để học hỏi, quảng bá sản phẩm mà đến nay, anh đã là chủ của mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng lên tới 2 nghìn con. Tham gia vào các hội nhóm kinh doanh trứng gà, nuôi gà, anh Nhu đã nắm bắt kịp thời nhu cầu, giá cả thị trường, kỹ thuật phòng bệnh, chăm sóc gà đẻ trứng... nhờ đó, anh Nhu đã gặt hái nhiều thành công, nhất là khi giá trứng gà lên cao. Hiện nay, mỗi ngày, gia đình anh xuất bán cho các thương lái 1.600 đến 1.900 quả trứng gà, với giá 2.300 đồng/quả đến 2.500 đồng/quả, mỗi ngày thu về từ 4 triệu đến 5 triệu đồng/ngày. Trứng sản xuất ra đến đâu được vận chuyển ra thị trường hết đến đó. Cũng từ mạng xã hội và Internet, anh Nhu đã đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà đẻ trứng hiện đại như lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, dàn làm mát chuồng trại...
Bí thư Huyện đoàn Sơn Dương Trần Thị Hoàn cho biết, trên địa bàn huyện đã có nhiều thanh niên ứng dụng Internet, mạng xã hội trở thành những triệu phú trong phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và lan tỏa đến những đoàn viên thanh niên khác, góp phần làm thay đổi tư duy và nhận thức của thanh niên về chuyển đổi số trong phát triển kinh tế.
Những tấm gương điển hình của thanh niên ứng dụng công nghệ, Internet, mạng xã hội để làm giàu chính đáng cần tiếp tục được các tổ chức Đoàn khích lệ, nhân rộng, tạo thành phong trào thi đua phát triển kinh tế từ chuyển đổi số trong đoàn viên thanh niên.
Gửi phản hồi
In bài viết